Những Quy định DN trong KCN cần biết khi thực hiện Báo cáo Đánh giá tác động môi trường hoặc Cam kết bảo vệ môi trường

Những điều cần biết của việc lập và thực hiện ĐTM hay Cam kết bảo vệ môi trường, những vi phạm thường hay mắc phải về ĐTM hay Cam kết bảo vệ môi trường, để thực hiện đúng và đầy đủ các quy định pháp luật.

NHỮNG QUY ĐỊNH
DOANH NGHIỆP TRONG KHU CÔNG NGHIỆP CẦN BIẾT KHI THỰC HIỆN
BÁO CÁO ĐÁNH TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG HOẶC CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG


Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc Cam kết bảo vệ môi trường là một trong những nội dung công tác bảo vệ môi trường mà doanh nghiệp phải thực hiện. Đây chính là hoạt động gìn giữ, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành. Bài viết này, căn cứ vào các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường hiện hành, tác giả muốn gưỉ đến các doanh nghiệp ( thay cho cụm từ chủ dự án bao gồm cả các tổ chức và cá nhân) trong các khu công nghiệp đã, đang và chuẩn bị đầu tư, những điều cần biết của việc lập và thực hiện ĐTM hay Cam kết bảo vệ môi trường, những vi phạm thường hay mắc phải về ĐTM hay Cam kết bảo vệ môi trường, để thực hiện đúng và đầy đủ các quy định pháp luật.

Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đầu tư, khi lập ĐTM hay Cam kết bảo vệ môi trường thường hay thuê các tổ chức dịch vụ tư vấn thực hiện toàn bộ cho đến khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, để đảm bảo về thủ tục môi trường dự án theo quy định. Nhiều doanh nghiệp chưa nắm hết được các nội dung, chưa ý thức hay nhận thức hết được tầm quan trọng của ĐTM hay Cam kết bảo vệ môi trường, dẫn đến việc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung trong đó, để xảy ra hậu quả vi phạm nghiêm trọng đến công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động đầu tư, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường xung quanh, hoặc khi bị các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra đã phát hiện ra nhiều lỗi vi phạm hành chính, trong đó có những lỗi không đáng để xảy ra.

Từ thực tiễn hoạt động thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành pháp luật Bảo vệ môi trường và căn cứ vào các quy định hiện hành. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần quan tâm và thực hiện tốt các nội dung sau:

I- BÁO CÁO ĐÁNH TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
1. Lập báo cáo ĐTM :
Doanh nghiệp muốn triển khai dự án đầu tư phải lập ĐTM và phải tiến hành đồng thời với quá trình lập dự án đầu tư ( Báo cáo nghiên cứu khả thi), kết quả của việc thực hiện ĐTM phải thể hiện dưới hình thức báo cáo ĐTM

ĐTM là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trườg của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó. Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp đầu tư có dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo ĐTM Gồm:

+ Các dự án được quy định từ mục 1 đến mục 43 và mục 45; các dự án có tên gọi khác nhưng có tính chất, quy mô tương đương các dự án từ mục 1 đến mục 43 Phụ lục II, Nghị định số: 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ “ Quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường” ( sau đây gọi tắt là Nghị định số: 29/2011/NĐ-CP).

+ Dự án cải tạo, mở rộng, nâng cấp, nâng công suất của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc phê duyệt, xác nhận đề án bảo vệ môi trường tới mức tương đương với các đối tượng từ mục 1 đến mục 143 Phụ lục II Nghị định số 29/2011/NĐ-CP;

+ Trường hợp dự án đầu tư, hoạt động đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ có thay đổi tính chất hoặc quy mô đến mức tương đương với đối tượng phải lập báo cáo ĐTM được quy định tại Phụ lục II Nghị định số 29/2011/NĐ-CP.

2. Thẩm định và phê duyệt ĐTM:

- Báo cáo ĐTM được lập xong phải trình thẩm định và phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Trong quá trình lập Báo cáo ĐTM, chủ dự án phải tổ chức tham vấn ý kiến đối với cấp xã nơi thực hiện dự án và Đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức chịu tác động trực tiếp của dự án. Tuy nhiên KCN là khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tập trung đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt ĐTM giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì vậy các dự án trong KCN mà phù hợp với quy hoạch ngành nghề trong ĐTM của khu sẽ không phải tham vấn ý kiến.

- Thời điểm lập, trình thẩm định và phê duyệt được thực hiện theo quy định tại điều 13 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP.

- Tổ chức thẩm định: theo quy định tại điều 18 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP. Cụ thể đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sẽ do UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định.

- Cơ quan phê duyệt: cơ quan có thẩm quyền thẩm định là cơ quan phê duyệt ĐTM ( UBND cấp tỉnh ).

- Báo cáo ĐTM sẽ phải lập lại khi thay đổi địa điểm dự án, hoặc không triển khai thực hiện dự án trong vòng 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định phê duyệt ĐTM .

II- CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

1. Đối tượng phải lập đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường bao gồm:
1.1.Dự án đầu tư có tính chất quy mô, công suất không thuộc danh mục hoặc dưới mức quy định của danh mục tại Phụ lục II Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ( các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình không phải lập cam kết bảo vệ môi trường )

1.2. Dự án, phương án cải tạo, mở rộng, nâng cấp, nâng công suất của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động đã được đăng ký, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc phê duyệt, xác nhận đề án bảo vệ môi trường nhưng chưa tới mức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Thông tư số: 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường “ Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số: 29/2011/NĐ-CP” ( sau đây gọi tăt là Thông tư số: 26/2011/TT-BTNMT).

2. Tổ chức thực hiện việc đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường
2.1. Việc đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định tại các Điều 31, 32 và 33 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP.

2.2. Văn bản ủy quyền tổ chức thực hiện việc đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp huyện cho Ủy ban nhân cấp xã thực hiện theo mẫu quy định Phụ lục 5.4 Thông tư số: 26/2011/TT-BTNMT.

2.3. Văn bản thông báo cho chủ dự án, về việc không chấp thuận bản cam kết bảo vệ môi trường thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 5.5 Thông tư số: 26/2011/TT-BTNMT .

III- CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ THỰC HIỆN CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ THỰC HIỆN BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP TRONG KHU CÔNG NGHIỆP

Nhiều doanh nghiệp mặc dù đã lập và phê duyệt ĐTM hay đăng ký Bản cam kết bảo vệ môi trường, nhưng chưa thực sự quan tâm để tìm hiểu hết các nội dung trong đó và phần nào chưa ý thức được trách nhiệm của doanh nghiệp phải thực hiện nó như thế nào, do vậy đã vi phạm không ít những quy định việc thực hiện Bản cam kết bảo vệ môi trường hay ĐTM mà căn cứ điều 8, điều 9 mục 1 chương II Nghị định số: 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ “ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”, có hành vi vi phạm bị xử phạt tới 400 triệu đồng.

Các chủ dự án trong các khu công nghiệp tất cả là các doanh nghiệp. Vì vậy, theo quy định tại khoản 1 điều 5 Nghị định 179/2013/NĐ-CP mức phạt tiền được áp dụng sau đây đã tính gấp 2 lần mức phạt tiền quy định mục 1 chương II Nghị định 179/2013/NĐ-CP.

1. Vi phạm các quy định về thực hiện cam kết bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:


1.1. Cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung nếu không sẽ bị:

1.1.1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung cam kết bảo vệ môi trường. Trừ trường hợp quy định tại điểm (1.2.1), (1.3.1) mục 1 này ;

1.1.2. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung cam kết bảo vệ môi trường. Trừ trường hợp quy định tại điểm (1.2.2), ( 1.3.2) mục 1 này ;

1.2. Doanh nghiệp phải giám sát lưu lượng hay tổng lượng thải và giám sát những thông số ô nhiễm đặc trưng cho chất thải của dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành của Việt Nam, với tần suất tối thiểu 01 lần/06. Các điểm giám sát phải được thể hiện cụ thể trên sơ đồ với chú giải rõ ràng và tọa độ theo quy chuẩn hiện hành. Doanh nghiệp sẽ bị:

1. 2.1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định (về vị trí, tần suất hoặc thông số giám sát môi trường);

1.2.2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định.

1.3. Doanh nghiệp phải tổ chức thực hiện các biện pháp giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường trong bản cam kết bảo vệ môi trường, phải liệt kê đầy đủ các công trình xử lý môi trường đối với các chất thải rắn, lỏng, khí và chất thải khác trong khuôn khổ của dự án; kèm theo tiến độ thi công cụ thể cho từng công trình; Các công trình xử lý môi trường phải được làm rõ về chủng loại, đặc tính kỹ thuật, số lượng cần thiết. Nếu Doanh nghiệp:

1.3.1. Xây lắp không đúng, không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường theo nội dung cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Buộc phải vận hành đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường, buộc tháo dỡ công trình xử lý môi trường được xây lắp không đúng quy định về bảo vệ môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường ;

1.3.2. Không xây lắp, không vận hành đối với công trình xử lý môi trường theo nội dung cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận sẽ bị Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng . Ngoài ra còn xử phạt bổ sung bằng hình thức: Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở 03 tháng đến 06 tháng. Buộc phải xây lắp công trình xử lý môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

1.4. Doanh nghiệp phải có Cam kết về việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải, giảm thiểu tác động khác nêu trong bản cam kết; cam kết xử lý đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về môi trường; cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường khác theo quy định hiện hành của pháp lụât.

Nếu doanh nghiệp không thực hiện tất cả các nội dung cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng . Ngoài ra còn xử phạt bổ sung bằng hình thức: Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở 03 tháng đến 06 tháng. Buộc phải xây lắp công trình xử lý môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

1.5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại mục 1 này gây ra.

2. Vi phạm các quy định về thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt bị xử phạt đối với các hành vi như sau:

2.1. Sau khi được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án có trách nhiệm lập, phê duyệt kế hoạch quản lý môi, trên cơ sở chương trình quản lý môi trường đã đề xuất trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chủ dự án sẽ bị :

2.1.1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không có văn bản báo cáo, báo cáo không đúng thời hạn cho cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường về Kế hoạch quản lý môi trường;

2.1.2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết công khai Kế hoạch quản lý môi trường của dự án tại địa điểm thực hiện dự án;

2.1.3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi báo cáo sai sự thật cho cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường về Kế hoạch quản lý môi trường hoặc những điều chỉnh, thay đổi các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường;

2.1.4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi lập, phê duyệt không đúng một trong các nội dung Kế hoạch quản lý môi trường;

2.1.5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi lập, phê duyệt không đầy đủ một trong các nội dung Kế hoạch quản lý môi trường;

2.1.6. phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không lập, phê duyệt Kế hoạch quản lý môi trường theo quy định.

2.2. Chủ dự án phải lập: Danh mục công trình, chương trình quản lý và giám sát các vấn đề môi trường trong quá trình triển khai thực hiện dự án trong ĐTM. Chủ dự án sẽ bị:

2.2.1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định (về vị trí, tần suất hoặc thông số giám sát môi trường);

2.2.2. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định.

2.3. Chủ dự án phải lập ĐTM theo các nội dung được quy định tại khoản 1 điều 17 Nghị định số: 29/2011/NĐ-CP và phải thực hiện đầy đủ các nội dung này. Chủ dự án sẽ bị:

2.3.1. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Trừ trường hợp quy định tại các điểm (2.1.1), (2.1.2), (2.1.4) và (2.2.1) ) mục này;

2.3.2. Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại các điểm (2.1.1), (2.1.2), (2.1.5), (2.1.6) và (2.4.2) mục 2 này.

2.4. Trách nhiệm của chủ dự án trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức gồm:

2.4.1. Hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch quản lý môi trường và việc triển khai thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến dự án khi được yêu cầu. Nếu không hành vi này sẽ bị: Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

2.4.2. Thiết kế, xây lắp các công trình bảo vệ môi trường; vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án; nghiệm thu các công trình bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; lâp, phê duyệt và thực hiện kế hoạch thu dọn vệ sinh vùng lòng hồ trước khi tích nước trong trường hợp dự án có nội dung đầu tư xây dựng hồ chứa thủy lợi hoặc hồ chứa thủy điện. Nếu không hành vi này sẽ bị: Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng.

Ngoài ra còn xử phạt bổ sung bằng hình thức: Đình chỉ hoạt động của cơ sở hoặc đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung từ 03 tháng đến 06 tháng;

2.4.3. Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và giai đoạn thi công xây dựng dự án; quan trắc môi trường theo yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nếu không hành vi này sẽ bị: Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 240.000.000 đồng.

Ngoài ra còn xử phạt bổ sung bằng hình thức: Đình chỉ hoạt động của cơ sở hoặc đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung từ 03 tháng đến 06 tháng;

2.4.4. Trong quá trình thực hiện dự án, nếu để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng phải dừng ngay các hoạt động của dự án gây ra sự cố; tổ chức ứng cứu khắc phục sự cố; thông báo khẩn cấp cho cơ quan quản lý về môi trường cấp tỉnh và các cơ quan có liên quan nơi có dự án để chỉ đạo và phối hợp xử lý. Báo cáo đúng sự thật kết quả thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án hoặc kết quả đo đạc, phân tích mẫu môi trường của dự án không đúng với thực trạng ô nhiễm của các nguồn thải. Nếu không hành vi này sẽ bị: Phạt tiền từ 240.000.000 đồng đến 260.000.000 đồng.

Ngoài ra còn xử phạt bổ sung bằng hình thức: Đình chỉ hoạt động của cơ sở hoặc đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung từ 03 tháng đến 06 tháng;

2.4.5. Lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án và gửi cơ quan theo quy định tại Khoản 1 Điều 24, Điều 25 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP để được kiểm tra, xác nhận trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức. Nếu không hành vi này sẽ bị: Phạt tiền từ 260.000.000 đồng đến 280.000.000 đồng.

2.5. Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án là căn cứ để chủ dự án đưa dự án hoặc một số hạng mục công trình của dự án đã được đầu tư trong trường hợp dự án được phân kỳ đầu tư theo nhiều giai đoạn vào vận hành chính thức. Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước ( hoặc Đối với dự án được đầu tư theo nhiều giai đoạn và chủ dự án có nhu cầu đưa một số hạng mục công trình đã đầu tư vào vận hành chính thức trước khi giai đoạn thi công xây dựng của dự án kết thúc, đề nghị cơ quan kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của các hạng mục công trình đã đầu tư). Doanh nghiệp sẽ bị:

2.5.1. Phạt tiền từ 280.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi không có Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án hoặc Giấy xác nhận việc đã thực hiện một trong các hạng mục công trình của dự án đã được đầu tư, trong trường hợp dự án được phân kỳ đầu tư theo nhiều giai đoạn trước khi đưa dự án, công trình vào vận hành chính thức.

Ngoài ra còn xử phạt bổ sung bằng hình thức: Đình chỉ hoạt động của cơ sở hoặc đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung từ 03 tháng đến 06 tháng .

2.5.2. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 360.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung trong Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án hoặc Giấy xác nhận việc đã thực hiện một trong các hạng mục công trình của dự án đã được đầu tư trong trường hợp dự án được phân kỳ đầu tư theo nhiều giai đoạn khi đưa dự án, công trình vào vận hành chính thức.

2.6. Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải lập lại trong các trường hợp sau đây:

- Thay đổi địa điểm thực hiện dự án;
- Không triển khai thực hiện dự án trong thời gian ba mươi sáu (36) tháng, kể từ thời điểm ban hành quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;
- Thay đổi quy mô, công suất hoặc công nghệ làm gia tăng mức độ tác động xấu đến môi trường hoặc phạm vi chịu tác động do những thay đổi này gây ra.
Doanh nghiệp sẽ bị: Phạt tiền từ 360.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định.
Ngoài ra còn xử phạt bổ sung bằng hình thức: Đình chỉ hoạt động của cơ sở hoặc đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung từ 03 tháng đến 06 tháng .

2.7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc doanh nghiệp phải xây lắp công trình xử lý môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật; buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại mục 2 này./.

Nguyễn Tiến Hải - Chánh Thanh tra Ban quản lý các KCN 

CÁC THÔNG TIN KHÁC
1
Bạn cần hỗ trợ?