Hồ sơ, Quy trình, Thủ tục đầu tư theo hình thức Hợp tác công tư - PPP trên địa bản TPHCM

 HỒ SƠ, QUY TRÌNH, THỦ TỤC ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC HỢP TÁC CÔNG TƯ – PPP
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
 
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ CỦA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH:
- Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
- Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
- Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;
- Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
- Luật Quản lý nợ công ngày 17 tháng 6 năm 2009;
- Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Hướng dẫn thực hiện theo Phụ lục 1 Đính kèm);
- Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư;
- Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm;
- Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
- Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
- Thông tư số 06/2016/TT-BKHĐT ngày 28 tháng 06 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
- Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT ngày 01 tháng 03 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lựa chọn sơ bộ dự án, lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
- Thông tư số 55/2016/TT-BTC ngày 23 tháng 03 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư;
- Thông tư số06/2016/TT-BXD ngày 10 tháng 03 năm 2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
II. CƠ QUAN THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH:
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: Ủy ban nhân dân Thành phố.
Cơ quan đầu mối trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Sở Kế hoạch và Đầu tư.
III. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH:
- Cơ quan Nhà nước;
- Nhà đầu tư (cá nhân và tổ chức).
 
IV. QUY TRÌNH, TRÌNH TỰ THỰC HIỆN (NGHỊ ĐỊNH SỐ 15/2015/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ):
 
Theo Phụ lục 2 Đính kèm.
V. CÁC KẾT QUẢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH:
-       Văn bản chấp thuận chủ trương giao lập Đề xuất dự án của Ủy ban nhân dân Thành phố;
-       Quyết định phê duyệt Đề xuất dự án; hoặc Quyết định đề nghị điều chỉnh hoặc không phê duyệt Đề xuất dự án (nêu rõ lý do) (Mẫu hướng dẫn lập Đề xuất dự án theo Phụ lục 3 Đính kèm);
-       Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; hoặc Quyết định đề nghị điều chỉnh hoặc không phê duyệt Đề xuất dự án (nêu rõ lý do) (Mẫu hướng dẫn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi theo Phụ lục 3 Đính kèm);
-       Quyết định phê duyệt Kết quả sơ tuyển lựa chọn Nhà đầu tư;
-       Quyết định phê duyệt Kế hoạch lựa chọn Nhà đầu tư;
-       Quyết định phê duyệt Kết quả lựa chọn Nhà đầu tư;
-       Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
-       Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Dự án;
 
-       Ký kết Hợp đồng Dự án (Mẫu Hợp đồng Dự án theo Phụ lục 4 Đính kèm);
 
VI. NỘI DUNG MỘT SỐ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH:
1. Thẩm định và phê duyệt Hồ sơ Đề xuất dự án của nhà đầu tư:
 
a) Trình tự thực hiện:
Bước 1:
- Nhà đầu tư chuẩn bị Hồ sơ đề xuất dự án đầy đủ (theo Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư) và đến nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân thành phố, địa chỉ: 86 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TPHCM và Sở Kế hoạch và Đầu tư, địa chỉ: 32 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TPHCM.
- Thời gian từ thứ hai đến thứ sáu (sáng từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ).
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ:
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận hồ sơ, trao biên nhận cho nhà đầu tư và thực hiện giải quyết hồ sơ theo quy định.
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề nghị Nhà đầu tư bổ sung hồ sơ.
Bước 3: Xem xét, Giải quyết hồ sơ:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ kèm theo văn bản để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan nhà nước có liên quan đối với đề xuất dự án;
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến góp ý những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình và gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, nếu quá thời hạn nêu trên mà cơ quan nhà nước có liên quan không có ý kiến thì xem như thống nhất với nội dung của hồ sơ;
- Trường hợp hồ sơ đề xuất dự án hợp lệ (không có ý kiến không đồng thuận của các cơ quan nhà nước có liên quan), trong thời hạn 12 ngày làm việc, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt;
- Trường hợp hồ sơ đề xuất dự án chưa hợp lệ (chưa được các cơ quan nhà nước có liên quan có ý kiến thống nhất), Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan nhà nước có liên quan và đề nghị Nhà đầu tư giải trình, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ theo quy định và tiến hành các bước như đã nêu trên.
- Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và có Quyết định phê duyệt đề xuất dự án gửi Nhà đầu tư trong 05 ngày làm việc.
 
          b) Cách thức thực hiện:
          Nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc nộp hồ sơ thông qua hệ thống bưu chính.
 
          c) Thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ:
          * Thành phần hồ sơ:
          - Văn bản đề xuất thực hiện dự án;
          - Đề xuất dự án;
          - Giấy tờ xác nhận tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư;
          - Kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự (nếu có);
          - Các tài liệu cần thiết khác để giải trình đề xuất dự án (nếu có).
          - Các tài liệu, văn bản pháp lý có liên quan.
          Nội dung đề xuất dự án: theo Phụ lục III Đính kèm.
          Đối với dự án có cấu phần xây dựng, đề xuất dự án bao gồm thiết kế sơ bộ (thiết kế cơ sở đối với dự án nhóm C) theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
          Lưu ý: Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt kèm theo.
          * Số lượng hồ sơ: 02 bộ hồ sơ (bản chính)
          - 01 bộ hồ sơ nộp cho Ủy ban nhân dân thành phố.
          - 01 bộ hồ sơ nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư.
 
          d) Thời hạn giải quyết:
          Thời hạn thẩm định và phê duyệt không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (không bao gồm thời hạn phê duyệt chủ trương sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án đối với các dự án thuộc đối tượng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi nước ngoài của các nhà tài trợ quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP).
          e) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Theo Phụ lục I – Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT ngày 01 tháng 03 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lựa chọn sơ bộ dự án, lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
          i) Lệ phí: Không có
          k) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục (nếu có): Dự án do nhà đầu tư đề xuất phải nằm ngoài danh mục dự án do Bộ, ngành, phù hợp quy hoạch được duyệt; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và công bố trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
 
          2. Thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi:
 
          * Trường hợp dự án nhóm A
 
          a) Trình tự thực hiện:
          Bước 1: Nhà đầu tư được giao nhiệm vụ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi chuẩn bị hồ sơ trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầy đủ theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT ngày 01/3/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đến nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân thành phố, địa chỉ: 86 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TPHCM và Sở Kế hoạch và Đầu tư, địa chỉ: 32 Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM
          Thời gian từ thứ hai đến thứ sáu (sáng từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ).
          Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ
          - Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định,Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận hồ sơ, trao biên nhận cho nhà đầu tư và thực hiện giải quyết hồ sơ theo quy định.
          - Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề nghị Đơn vị chuẩn bị dự án hoặc Nhà đầu tư bổ sung hồ sơ.
          Bước 3: Xem xét, Giải quyết hồ sơ
          - Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ kèm theo văn bản để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan nhà nước có liên quan đối với Báo cáo nghiên cứu khả thi;
          - Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến góp ý những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình và gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, nếu quá thời hạn nêu trên mà cơ quan nhà nước có liên quan không có ý kiến thì xem như thống nhất với nội dung của hồ sơ;
          - Trường hợp hồ sơ trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi hợp lệ (không có ý kiến phản đối của các cơ quan nhà nước có liên quan), trong thời hạn 22 ngày làm việc, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt;
          - Trường hợp hồ sơ trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi chưa hợp lệ (chưa được các cơ quan nhà nước có liên quan có ý kiến thống nhất), Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan nhà nước có liên quan và đề nghị Đơn vị chuẩn bị dự án hoặc Nhà đầu tư giải trình, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ theo quy định và tiến hành các bước như đã nêu trên.
          - Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và có Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi gửi Nhà đầu tư.
          b) Cách thức thực hiện:Nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân thành phố hoặc nộp hồ sơ thông qua hệ thống bưu chính.
 
          c) Thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ:
          * Thành phần hồ sơ:
          - Văn bản trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi: Nội dung văn bản trình duyệt bao gồm căn cứ trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thuyết minh nội dung chính của báo cáo nghiên cứu khả thi và các kiến nghị;
          - Dự thảo báo cáo nghiên cứu khả thi;
          - Văn bản thỏa thuận giữa Ủy ban nhân dân thành phố với nhà đầu tư;
          - Quyết định phê duyệt đề xuất dự án;
          - Văn bản thẩm định đề xuất dự án;
          - Các tài liệu, văn bản pháp lý có liên quan.
          Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi: theo Phụ lục III Đính kèm.
          Đối với dự án có cấu phần xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi bao gồm thiết kế cơ sở theo quy định của pháp luật về xây dựng.
          Lưu ý: Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt kèm theo.
          * Số lượng hồ sơ: 05 bộ hồ sơ
          - 01 bộ hồ sơ nộp cho Ủy ban nhân dân thành phố.
          - 04 bộ hồ sơ nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư.
          d) Thời hạn giải quyết: Thời hạn thẩm định không quá 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
          e) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Theo Phụ lục III – Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT ngày 01 tháng 03 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lựa chọn sơ bộ dự án, lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
          g) Lệ phí:Từ 0,001% đến 0,019% tổng mức đầu tư dự án (Theo quy định tại Thông tư số 176/2000/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2011 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng).
 
          h) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục (nếu có):
          - Nhà đầu tư được Ủy ban nhân dân thành phố giao lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.
          - Dự án không phải dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn giáo.
 
          * Trường hợp dự án nhóm B
 
          a) Trình tự thực hiện:
          Bước 1: Nhà đầu tư được giao nhiệm vụ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi chuẩn bị Hồ sơ trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầy đủ theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT ngày 01/3/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đến nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân thành phố, địa chỉ: 86 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TPHCM và Sở Kế hoạch và Đầu tư, địa chỉ: 32 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TPHCM và.
          Thời gian từ thứ hai đến thứ sáu (sáng từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ).
          Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ:
          - Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận hồ sơ, trao biên nhận và thực hiện giải quyết hồ sơ theo quy định.
          - Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề nghị Đơn vị chuẩn bị dự án hoặc Nhà đầu tư bổ sung hồ sơ.
Bước 3: Xem xét, Giải quyết hồ sơ:
          - Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ kèm theo văn bản để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan nhà nước có liên quan đối với Báo cáo nghiên cứu khả thi;
          - Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến góp ý những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình và gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, nếu quá thời hạn nêu trên mà cơ quan nhà nước có liên quan không có ý kiến thì xem như thống nhất với nội dung của hồ sơ;
          - Trường hợp hồ sơ trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi hợp lệ (không có ý kiến phản đối của các cơ quan nhà nước có liên quan), trong thời hạn 17 ngày làm việc, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt;
          - Trường hợp hồ sơ trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi chưa hợp lệ (chưa được các cơ quan nhà nước có liên quan có ý kiến thống nhất), Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan nhà nước có liên quan và đề nghị Nhà đầu tư giải trình, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ theo quy định và tiến hành các bước như đã nêu trên.
          - Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và có Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi gửi Nhà đầu tư.
          b) Cách thức thực hiện:Nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân thành phố hoặc nộp hồ sơ thông qua hệ thống bưu chính.
 
          c) Thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ:
          * Thành phần hồ sơ:
          - Văn bản trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi: Nội dung văn bản trình duyệt bao gồm căn cứ trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thuyết minh nội dung chính của báo cáo nghiên cứu khả thi và các kiến nghị;
          - Dự thảo báo cáo nghiên cứu khả thi;
          - Văn bản thỏa thuận giữa Ủy ban nhân dân thành phố với nhà đầu tư (trường hợp nhà đầu tư đề xuất dự án);
          - Quyết định phê duyệt đề xuất dự án;
          - Văn bản thẩm định đề xuất dự án;
          - Các tài liệu, văn bản pháp lý có liên quan.
          Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi: theo Phụ lục III Đính kèm.
          Đối với dự án có cấu phần xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi bao gồm thiết kế cơ sở theo quy định của pháp luật về xây dựng.
          Lưu ý: Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt kèm theo.
          * Số lượng hồ sơ: 05 bộ hồ sơ (bản chính)
          - 01 bộ hồ sơ nộp cho Ủy ban nhân dân thành phố.
          - 04 bộ hồ sơ nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư.
          d) Thời hạn giải quyết:Thời hạn thẩm định không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
          e) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Theo Phụ lục III – Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT ngày 01 tháng 03 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lựa chọn sơ bộ dự án, lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
          g) Lệ phí: Từ 0,001% đến 0,019% tổng mức đầu tư dự án (Theo quy định tại Thông tư số 176/2000/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2011 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng).
 
          h) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục (nếu có):
          - Đơn vị chuẩn bị dự án phải có Đề xuất dự án đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
          - Nhà đầu tư được Ủy ban nhân dân thành phố giao lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.
 
          3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư dự án từ nguồn vốn ngân sách sang hình thức đầu tư PPP:
          1. Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập hồ sơ đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư, gồm những nội dung sau:
          a) Văn bản đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư gồm: sự cần thiết của việc chuyển đổi hình thức đầu tư và khả năng đáp ứng Điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 5, Thông tư số 06/2016/TT-BKHĐT ngày 28 tháng 06 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; hình thức và phương án chuyển đổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 5, các Điều 6 và 7, Thông tư số 06/2016/TT-BKHĐT ngày 28 tháng 06 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; cơ chế thực hiện dự án sau khi chuyển đổi hình thức đầu tư (nếu có);
          b) Tài liệu gửi kèm văn bản đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư gồm: đề xuất dự án theo các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 16 nghị định số 15/2015/NĐ-CP; báo cáo tình hình thực hiện dự án đến thời Điểm đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
          2. Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định và phê duyệt phương án chuyển đổi hình thức đầu tư và đề xuất dự án theo thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP. Đối với Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 Luật Đầu tư công, Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư trước khi phê duyệt phương án chuyển đổi hình thức đầu tư.
          3. Sau khi phương án chuyển đổi hình thức đầu tư và đề xuất dự án được phê duyệt theo quy định tại Khoản 2, Điều 8, Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ, Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Điều chỉnh của dự án theo quy định tại Chương IV Nghị định 15/2015/NĐ-CP và lựa chọn nhà đầu tư đàm phán hợp đồng dự án.
          4. Nhà đầu tư được lựa chọn và Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức đàm phán hợp đồng dự án, ký kết thỏa thuận đầu tư và thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp để triển khai dự án theo quy định tại Chương V và VI Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.
CÁC THÔNG TIN KHÁC
1
Bạn cần hỗ trợ?